Hiệu quả kinh tế đem lại từ Tổ hợp tác chăn nuôi lợn ở xã Kiên Đài

Kiên Đài là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hoá. Những năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Kiên Đài đã không ngừng vươn lên, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi với quy mô ngày càng lớn, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Đến thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Văn Thăng, thôn Bản Vả, xã Kiên Đài. Đây là một trong những mô hình thuộc Tổ hợp tác chăn nuôi lợn do dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP) huyện Chiêm Hóa triển khai thực hiện từ năm 2012 trên địa bàn xã Kiên Đài. Cho đến nay, sau 3 năm hình thành, hiện mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Thăng và các thành viên trong tổ hợp tác đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Thăng cho biết, trước đây khi chưa tham gia tổ hợp tác chăn nuôi này, gia đình anh cũng như các thành viên trong tổ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên mỗi năm chỉ nuôi được 2 lứa, mỗi lứa nuôi từ 5 đến 9 con là vất vả rồi. Từ khi tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi lợn của dự án TNSP huyện Chiêm Hóa, anh và các thành viên trong tổ được tham gia các lớp tập huấn, được tư vấn về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh, giúp cho đàn lợn lớn nhanh. Đặc biệt tham gia tổ hợp tác còn tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. Hiện số lượng đàn lợn của gia đình anh Thăng luôn được duy trì từ 40 đến 50 con, mỗi năm anh nuôi được 3 lứa, trừ chi phí cũng thu về cho gia đình 50 đến 60 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế từ gia đình anh đã mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả cho nhiều hộ gia đình trong thôn, trong đó có một số hộ nghèo đã tham gia vào tổ hợp tác, từ đó có cuộc sống từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Văn Thăng, thôn Bản Vả, xã Kiên Đài. 

Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Bản Vả, xã Kiên Đài được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012. Từ ngày đầu thành lập tổ hợp tác chỉ có 7 thành viên. Với sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các thành viên, Tổ hợp tác chăn nuôi lợn đã đi vào hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế hàng chục triệu đồng cho các hộ gia đình mỗi năm. Cho đến nay, tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Bản Vả đã có 13 thành viên, tổng số đàn lợn thịt đã phát triển trên 210 con, hộ gia đình nuôi nhiều nhất từ 40 đến 50 con, các thành viên mới tham gia thì duy trì bước đầu khoảng 10 con. Nhờ thực hiện tốt cách thức vận hành, áp dụng tốt quy trình kỹ thuật của tổ từ khâu chăm sóc đến nguồn thức ăn nên đàn lợn của các hộ gia đình lớn nhanh và đều, không bị mắc các bệnh dịch. Mỗi năm bán ra thị trường được 3 - 4 lứa lợn, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống cho các hộ gia đình. Đặc biệt, tham gia trong tổ hợp tác có 5 hộ nghèo, đến cuối năm 2014 đã có 3 hộ thoát nghèo bền vững. Việc hình thành các hình thức tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các thành viên viên có sự liên kết chặt chẽ từ khâu đầu vào cho đến lúc lợn xuất chuồng, tạo ra hướng đi ổn định trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất, chăn nuôi đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang sản xuất có quy mô lớn, có tính liên kết sâu rộng, mang tính hàng hóa cao, bảo đảm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường, đáp ứng nhu của người tiêu dùng. Đây cũng là hướng đi giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp ở các xã vùng sâu, vùng xa như Kiên Đài, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

 

Văn Linh - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục